Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

Hãy an lòng yên nghỉ chú nhé, chú Phạm Hùng Cường!

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Phạm Hùng Cường


Có một người chú mà mình quý mến và ngưỡng mộ vô cùng, không chỉ là một doanh nhân thành đạt mà còn là một nghệ sĩ tài năng.
Vài năm trước khi mình bắt đầu mê mẩn với chụp ảnh, nhân một lần ra bắc ba mình có nói mày đến mà đàm đạo với chú Cường ấy, chắc chắn sẽ học hỏi được nhiều. Đó là lần đầu mình mạnh dạn ngồi hàn huyên nói chuyện với chú. Thật ra là mình toàn gật gù ngồi nghe từ đầu đến cuối là chính. Chú chẳng chỉ gì cả, thay vào đó là nói về đạo lý làm người, rồi bàn về 2 chữ Nghệ thuật và Nghệ sĩ. Với cách nói chuyện rất hấp dẫn và trải nghiệm, chú là một trong số ít nhân vật đã ảnh hưởng lên suy nghĩ và tư tưởng của mình.
Từ đó về sau, mỗi lần ra bắc, không lần nào mình không ghé chào hỏi và mong được nghe chú nói chuyện. Cô mình (vợ chú) còn đùa rằng người ta phải mời mãi chú mày mới đi giảng và nói chuyện đấy con ạ, con phải siêng ra đây chơi với cô và nói chuyện với chú hơn nha. Hồi đó mình còn ngây ngô, chú bảo mày muốn học hỏi gì về tinh thần Nhiếp ảnh, chú giới thiệu cho bạn bè chú trong miền nam nhiều lắm đến đó mà bái sư, ấy vậy chỉ biết cười xoà.
Bức ảnh Những người Đồng đội đoạt giải nhất ảnh nghệ thuật toàn Quốc năm 2004 - Phạm Hùng Cường
Gần đây nhất, tức là mới sau Tết năm rồi. Sau những ngày đi Hà Giang về lại Hà Nội, mình có mời anh bạn đi Tây Bắc cùng ghé gặp chú mà chú không có nhà. Hai ngày sau lúc gần bay về SG, mình quay lại nhà cô chú ăn bữa cơm. Có một kỉ niệm đặc biệt là ngoài nói chuyện về nghề nghiệp, chú có lấy đàn ra nói để tao đàn cho mày nghe mấy bài ca vừa mới sáng tác xong.
Chú nói là mình là dân Nhiếp ảnh, nhưng cũng mê hát ca. Chờ mãi chẳng thấy có bài hát nào ca ngợi về Nhiếp ảnh, thôi thì tự mình soạn nhạc sáng tác lời ca luôn. Chính khoảnh khắc khi mình lặng người lắng nghe chú đàn hát đó, những âm bậc vang lên, đó một kỉ niệm tuyệt vời của mình về chú.


Mới 2 ngày nay thôi, nhận được hung tin báo từ ba là chú vừa qua đời đột ngột tại nhà. Mình vẫn không tin đó là sự thật, một tin buồn quá đột ngột. Tuy thời gian gặp gỡ giữa hai chú cháu không nhiều, nhưng những lần gặp gỡ ít ỏi đó là những tình cảm mà mình rất trân trọng mình dành cho chú. Giờ ngồi đây, tự dưng mình vẫn thấy hối hận vì hôm đó cô chú nói mày ngủ ở đây, mai tao dắt mày đi sáng tác ảnh cùng chú. Vậy mà mình nỡ từ chối vì e ngại điều gì chẳng rõ.
Giờ thì chú đã đi xa rồi. Những lần đến Hà Nội sẽ không còn được mong mỏi ghé gặp để nghe những câu chuyện chiêm nghiệm của chú nữa. Nhưng những khoảnh khắc vàng, và cả lời ca hôm đó chú cất vang, chắc hẳn là làm sao mình quên được. Chẳng phải tên tuổi và dấu ấn của chú sẽ tồn tại mãi mãi đó sao.
Mấy tối nay ngồi nghe lại bài ca nhiếp ảnh chú sáng tác, coi lại những tác phẩm của chú, để rồi càng thấm thía ý nghĩa của Nhiếp ảnh với đời mà chú đã nói nhiều hơn.




Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

Độc hành Bảo Lộc

Cái lạnh se se ngày lập đông của phố núi cao nguyên Bảo Lộc những đêm cuối thu khe khẽ nhẹ nhàng khiến cô gái phải vòng đôi tay nhỏ nhắn của mình ôm thật chặt người yêu đang chở mình dạo phố. Cái cảnh tượng ấm ấp hạnh phúc ấy, bỗng chợt khiến cho kẻ độc hành như tôi chợt cảm thấy thật đơn côi lẻ lõi giữa chốn xa lạ này. Cái lạnh vẫn cứ quấn quýt mơn man khiến cho kẻ vốn đã quen với khí hậu nóng nực của Sài Gòn như tôi bỗng chốc mau chóng quên đi cảm giác kia, để rồi lại đắm mình vào từng làn gió lạnh..

Cuối tuần cứ mãi loanh quanh Sài Gòn, hay thỉnh thoảng những chuyến đi ngẫu hứng Vũng Tàu, Bình Thuận, Tây Ninh,… cũng đã quá quen thuộc. Tôi quyết định một mình sẽ tự khám phá Bảo Lộc qua lời giới thiệu hấp dẫn từ một người bạn. Cuộc hành trình ngắn ngủi trong hai ngày ở Cao nguyên nắng gió đến  một cách tình cờ nhưng đã để lại cảm xúc dạt dào trong tôi.

Bảo Lộc chỉ cách Tp.Hồ Chí Minh khoảng 200km, để tận hưởng được trọn vẹn cảm giác leo đèo và thả dốc thú vị, tôi thong dong bằng chính chiếc xe gắn máy của mình mà không bắt xe khách.

Nhờ người dân chụp dùm một bức hình trước khi xuống đèo

Với khoảng 4 giờ đồng hồ cưỡi con “ngựa sắt” băng băng trên Quốc lộ 20 thì cũng bắt đầu đến được Đèo Bảo Lộc. Khi vừa tới nơi đây, bao nhiêu mệt mỏi của chặng đường dài như tan biến đi hết và thay vào đó là cảm giác khoan khoái, dễ chịu khi được phóng xe xuyên qua những luồng không khí mát lạnh. Uốn lượn theo những khúc cua để lên lưng chừng núi, phong cảnh hùng vĩ của núi rừng dần hiện ra thật ngoạn mục. Đứng giữa bạt ngàn những dãy đồi, núi chập trùng phủ một màu xanh ngắt, tôi hoà mình vào cùng gió, cùng mây, cùng cỏ cây, trời đất tuyệt đẹp nơi đây, để rồi chợt nhận ra con người thật nhỏ bé trước thiên nhiên hùng vĩ.

Đồi núi chập chùng xanh mướt

Đến trung tâm thành phố vào lúc chiều tà, cảm nhận nhịp sống của người dân nơi đây có chút tấp nập, nhộn nhịp nhưng lại mang một vẻ gì đó rất nhẹ nhàng không một chút hối hả, ồn ả. Ghé khu chợ cũ để lấp đầy cái bụng đang réo sôi vì đói. Bất chợt nhận ra không gian nơi đây thật khác lạ so với những khu chợ mà tôi đã từng biết. Những bức tường cũ, những hàng đà, mái tôn bị bao phủ một lớp muội đen của khói từ bếp củi nấu nồi bánh canh. Vừa ăn tô bánh canh nóng hổi, vừa trò chuyện với bà cụ bán hàng lâu đời ở nơi đây. Biết khu chợ này sắp sửa bị đóng cửa khi mà khu chợ mới khang trang đang sắp hoàn thành và chuẩn bị được đưa vào sử dụng, một cảm giác gì đó luyến tiếc, ngậm ngùi trong tôi bỗng dâng trào, chút bâng khuâng lẫn lộn khi hình dung Bảo Lộc đang dần khoác lên mình những bộ mặt mới của đô thị hiện đại.

Phố núi vào đêm man mác hơi buồn, mà cũng có thể vì tôi đang một mình lang thang miền đất lạ, thêm vào đó những làn gió lạnh buốt lướt qua khi chạy xe nên tôi có cảm giác cô đơn chăng? Khác với cảm giác lúc chiều, Bảo Lộc càng về khuya thì càng yên tĩnh, vắng lặng hơn. Tôi lượn vòng các con đường từ khu trung tâm sáng đèn cho đến những đoạn đường tối om vắng vẻ. Thỉnh thoảng lướt trong gió là hương trà xanh đang được nhà ai đó sấy khô, chế biến thơm ngào ngạt. Cái mùi hương dễ chịu đó khiến tôi chợt nhận ra đây là một nét đặc trưng rất đặc biệt của nơi này. Dừng nghỉ chân khẽ nhấm nháp ly sữa đậu xanh nóng bên vỉa  hè, lắng nghe tiếng đàn hát vui tươi của mấy anh chàng hát rong nơi góc phố đông người xem. Chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng đã là quá đủ cho một ngày dài đầu tiên ở nơi xa lạ.

Sáng thức giấc, nhìn qua cửa sổ tôi đã thấy sương sớm ngập tràn từ bao giờ. Từng cơn gió lạnh lùa vào khiến tôi cuộn tròn trong chiếc chăn bông ấm áp và chẳng muốn buông ra. Nhưng chính những bức ảnh tuyệt đẹp, của bình mình trên cao nguyên tôi đã từng được xem đã khiến tôi không thể nằm yên. Nhanh chóng bật dậy, chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc hành trình khám phá những góc nhìn mới lạ về mảnh đất này.

Đồi chè Tâm Châu

Người dân tộc đang hái chè
Hồ Tâm Châu và khu đồi chè


Có lẽ dư âm của những mùi hương thơm tối qua vẫn còn đọng lại ngập tràn trong tâm trí, vì thế nơi đầu tiên tôi quyết tâm đi khám phá đó là các đồi chè. Hỏi thăm người dân địa phương và đi theo những biển chỉ dẫn ven đường, tôi lặn lội được vào khu đồi chè Tâm Châu. Vừa đến nơi tôi đã bị choáng ngợp bởi những đồi chè xanh mướt, những luống cây ngay hàng thẳng lối kéo dài tít tắp, trải rộng khắp tầm nhìn. Ở giữa khu này có một hồ chứa nước để tưới tiêu. Mặt hồ rộng và trong vắt như chiếc gương lớn soi bóng cả bầu trời. Những đàn cò trắng chao lượn trên mặt hồ tạo nên một khung cảnh thật bình yên.

Được nghe rất nhiều về thác Dambri, niềm tự hào của người dân nơi đây. Đúng quả thật như vậy, tôi thật sự bị lôi cuốn ngay từ cái nhìn đầu tiên. Khu này tuy đã được khai thác để xây dựng thành điểm tham quan du lịch. Tuy nhiên vì nằm cách trung tâm thành phố 17km nên thác được bao bọc bởi khu rừng nguyên sinh vẫn còn giữ nguyên vẻ hoang sơ và hùng vĩ. Những khối nước từ trên đỉnh thác cao 70m đổ xuống ầm ầm tung bọt trắng xoá suốt ngày đêm. Đứng ở mô đá gần dưới chân thác để một lần để nghe thiên nhiên hát vang bài ca núi rừng, đắm mình vào trong làn “sương khói” mịt mờ để cảm nhận không gian và thời gian như dừng lại. Chán chê tôi lại ngâm đôi chân xuống dòng suối mát lạnh rồi tựa vai vào thảm cỏ xanh mướt bám trên đá, ngắm những bông hoa dại tim tím đang dập dờn theo giai điệu của dòng thác.


Thảm cỏ xanh mướt ở chân thác



Thang máy bên cạnh thác Dambri hùng vĩ

Thác Dambri




Biết đến chùa Đăng Đừng (Chùa Di Đà) qua lời giới thiệu từ một người anh quê gốc Bảo Lộc, tôi men theo những đoạn đường gồ ghề sỏi đá để tìm đến tận nơi. Tiếng chuông gió phát ra từ những ống tre được treo cao vút trên những cây nêu, những bức tượng của người dân tộc khoác gùi quỳ gối chắp tay lạy Phật, hay sự kết hợp hài hoà giữa 3 phong cách kiến trúc: Phật giáo, dân tộc Châu Mạ và Lạc Hồng. Tất cả tạo nên nét riêng của ngôi chùa, một nét độc đáo mà chỉ ở nơi đây mới có.


Phong linh độc đáo của chùa Đăng Đừng


Trên đoạn đường từ thác quay về, giữa mênh mông đồi chè bỗng nổi bật lên chiếc cổng trang nghiêm cổ kính của Tu viện Bát Nhã. Những bậc thang bằng đá phủ rêu xanh dài tăm tắp dẫn lối thẳng vào chánh điện. Tuy chỉ ngắm nhìn từ xa, nhưng kiến trúc đặc biệt của tu viện cũng đủ khiến cho tôi cảm nhận được chút gì đó nhẹ nhàng, tĩnh lặng len lỏi vào trong tâm hồn.

Một mình một xe với khoảng thời gian ít ỏi, tôi đã khám phá và cảm nhận Bảo Lộc theo cách riêng của mình. Có những khoảnh khắc đi ngang những đoạn đường hai bên phủ kín màu vàng tươi của hoa dã quỳ, những bông hoa tím của đồi sim hoang dại, hay đơn giản chỉ là hình ảnh của thánh đường lấp ló đằng xa sau một thảm hoa dại tuyệt đẹp ven đường, dù chỉ chợt lướt qua thôi nhưng cũng đủ làm tôi xao xuyến, luyến lưu nơi này.
Thảm cỏ  bên đường

Xanh xanh Việt Nam

Thác Dambri nhìn từ một góc khác






                                                                                                        Bảo Lộc, 24/11/2012